Standard Chartered Marathon Di sản Hà Nội 2024 - HANOI MARATHON
Standard Chartered Marathon Di sản Hà Nội 2024
Standard Chartered Marathon Di sản Hà Nội 2024 là một giải chạy chuyên nghiệp hàng đầu của Việt Nam, được tổ chức vào tháng 11 hàng năm tại Hà Nội, thủ đô của đất nước xinh đẹp và yên bình nhất Đông Nam Á.
Giải chạy được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ủng hộ và chọn là sự kiện marathon chính thức duy nhất của thành phố nghìn năm tuổi.
Giải đã được Liên đoàn Điền kinh Thế giới (WA) công nhận, có chứng nhận chính thức của Hiệp hội Marathon và Chạy Đường dài Quốc tế (AIMS) và liên kết với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam. Giải là thành viên chính thức của AIMS từ năm 2019.
Lần đầu ra mắt năm 2018 với tên gọi Giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội, cuộc đua đã thu hút hơn 3.000 vận động viên, những người đam mê chạy bộ ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Năm 2019 Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chọn Giải là “Cuộc đua marathon quốc tế chính thức của Hà Nội”, một phần trong nỗ lực đưa sự kiện này lên bản đồ các giải chạy lớn nhất thế giới, sánh vai cùng các giải ở Berlin, Boston, Chicago, London, New York và Tokyo. Số lượng vận động viên tham gia thi đấu đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 6.000 từ hơn 50 nước và vùng lãnh thổ.
Năm 2020, Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, và giải được chọn là Giải marathon chính thức của Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Năm 2021, do đại dịch COVID-19, giải phải lùi ngày tổ chức hai lần. Ban Tổ chức đã chuyển ngày thi đấu sang 6/3/2022, rời địa điểm về Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình và thu hẹp quy mô sự kiện.
Năm 2022 Giải đã chính thức gia nhập hệ thống Age Group Ranking System của Abbott World Marathon Majors.
Năm 2022, hơn 10.000 người đăng ký thi đấu tại Giải, trong đó có 3.000 vận động viên ghi danh cho cự ly Full Marathon 42,195 km, con số lớn nhất ở một giải marathon trong nước. Chung cuộc, có gần 9.000 vận động viên dự thi ở cả bốn cự ly, trong đó có hơn 1.000 người nước ngoài.
Giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội 2023 là một sự kiện có một không hai, vừa là một giải chạy truyền thống, vừa là tour du lịch độc đáo qua năm quận lớn và gần như tất cả các địa danh lịch sử và văn hóa của khu phố cổ Hà Nội của hơn 11.000 vận động viên tham gia thi đấu.
Trong giai đoạn 2018-2023, đường chạy của Giải là một vòng khép kín, bắt đầu và kết thúc tại Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm Hà Nội.
Năm 2024, cái bắt tay giữa Standard Chartered (SC) và DHA Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang đến sự công phá mới với những bước phát triển mang tính đột phá cho Giải Standard Chartered Marathon Di sản Hà Nội. Đây là giải marathon thứ 10 trong hệ thống giải Standard Chartered Marathon danh tiếng thế giới với mục tiêu tôn vinh sự bền bỉ, đoàn kết, nỗ lực vượt qua các giới hạn và được áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cùng với việc khám phá 11 di sản và địa danh không thể bỏ lỡ trong thủ đô Hà Nội yên bình, quyến rũ và có bề dày lịch sử này.
1. Hồ Hoàn Kiếm: Hồ Hoàn Kiếm là một trong những danh lam thắng cảnh chính trong thành phố, tâm điểm của các hoạt động văn hóa của thành phố. Giữa hồ Hoàn Kiếm là Tháp Rùa, một tòa tháp nhỏ, cổ kính và yên tĩnh. Gần đó là đền Ngọc Sơn, nằm trên một hòn đảo khác và được nối với bờ hồ bằng cây cầu gỗ nhỏ, màu đỏ, nổi bật trên mặt nước hồ trong xanh.
2. Nhà Hát Lớn: Được xây dựng vào năm 1901, đây là bản sao thu nhỏ của Nhà hát Opéra Garnier tại Paris. Công trình này mang đặc trưng Tân Thời của Pháp và là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của Hà Nội.
3. Nhà Thờ Lớn St. Joseph: Được xây dựng năm 1884 theo phong cách kiến trúc gothic thời trung cổ, với một mái vòm cong hướng lên bầu trời, giống Nhà Thờ Đức Bà ở Paris.
4. Cột Cờ Hà Nội: Được triều Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam, xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Đây cũng là địa danh lịch sử được bảo tồn tốt nhất của thành phố.
5. Văn Miếu: Quần thể các di tích này được xây vào thế kỷ thứ 11 theo phong cách kiến trúc Đông Á cổ đại. Đây cũng là tượng đài cho quá trình phát triển văn hóa của Việt Nam, với 82 tấm bia vinh danh tiến sĩ từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18.
6. Lăng Bác: Là nơi an nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng nằm ở quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.
7. Chùa Trấn Quốc: Nằm ở Hồ Tây, ngôi chùa có tuổi đời hơn 1.500 năm này từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý – Trần. Chùa có tòa tháp 11 tầng với chiều cao 15 mét. Mỗi tầng có sáu ô cửa vòm, trong mỗi ô đặt một bức tượng đá Phật A Di Đà.
8. Đền Quán Thánh: Được xây dựng vào thế kỷ 11, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong bốn vị thần trấn giữ cửa ngõ thành Thăng Long.
9. Cửa Bắc: Là một trong số ít dấu tích còn lại của thành cổ Hà Nội. Mang dấu vết hủy diệt của bom đạn, Cửa Bắc cũng là một dấu ấn của chủ nghĩa thực dân Pháp và Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Đối diện với Cửa Bắc là Nhà thờ Cửa Bắc, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Á-Âu độc đáo.
10. Cầu Long Biên: Do người Pháp xây dựng năm 1898 qua sông Hồng, cầu Long Biên giống như chứng nhân cho một trong những thời kỳ hỗn loạn nhất của lịch sử Hà Nội. Được coi là niềm tự hào của người Pháp ở Đông Dương, cầu cũng chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên bị máy bay Mỹ ném bom nhưng vẫn đứng vững, là biểu tượng cổ vũ tinh thần người dân trong chiến tranh.
11. Ô Quan Chưởng: Là cổng thành cổ còn lại trong lòng thành phố ngày nay. Nó từng là một trạm kiểm soát an ninh cho khu thương mại của Hà Nội cổ, ngày nay được gọi là Khu Phố Cổ. Ô Quan Chưởng được đặt theo tên của người đứng đầu quân đội để vinh danh ông và những người lính triều đình nhà Nguyễn đã chiến đấu chống Pháp.
Standard Chartered Marathon Di sản Hà Nội 2024 đại diện cho đất nước hòa bình và con người Việt Nam thân thiện. Ban Tổ chức Giải tin tưởng rằng, tham gia thi đấu tại Giải này ở Hà Nội, các vận động viên sẽ thấy sự kiện xứng đáng nằm trong danh sách các cuộc đua họ phải tham gia ít nhất một lần trong đời.